SEO

SEO

img
img
Tin tức

Chữa cháy ở Hà Nội chỉ có thể vươn tới tầng 10

Trao đổi với VnExpress.net, Phó phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an Hà Nội Nguyễn Đình Bính cho biết, gần 50% cao ốc ở Hà Nội có vấn đề về phòng cháy chữa cháy, trong khi phương tiện hiện nay chỉ có thể cứu hỏa từ tầng 10 trở xuống.

- Sau vụ cháy chung cư JSC, nhiều cư dân rất lo lắng. Ông nói gì về công tác phòng cháy chữa cháy tại các cao ốc của Hà Nội hiện nay?

- Thành phố hiện có 364 nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng. Có thể nhiều hơn nữa vì có những tòa nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện hoặc chưa được nghiệm thu. Trong số này có 247 nhà chung cư, 34 nhà vừa làm chung cư vừa làm văn phòng, 47 văn phòng, 17 khách sạn và 16 nhà đa năng (văn phòng, khách sạn, cửa hàng, trung tâm thương mại).

Tất cả tòa nhà cao tầng trước khi đưa vào sử dụng đều được nghiệm thu và phải đảm bảo thực hiện đúng luật phòng cháy chữa cháy như ban hành nội quy thoát nạn; thành lập lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ, được huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy; bảng kê theo dõi phương tiện chữa cháy; lập phương án chữa cháy...

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có hơn 200 nhà cao tầng lực lượng phòng cháy tại chỗ vận hành trơn tru các phương tiện cứu hỏa. Nhiều tòa nhà cao tầng nội quy chưa được hoàn thiện, lực lượng phòng cháy cơ sở (tại chỗ) còn mỏng và yếu. Cá biệt có ngôi nhà lực lượng phòng cháy chữa cháy chưa sử dụng thành thạo các phương tiện.

Ngoài ra, hệ thống phòng cháy chữa cháy xuống cấp một cách nghiệm trọng, không được duy tuy bảo dưỡng, sự hợp tác của một số hộ dân sống trong những tòa nhà đó chưa được tốt. Họ để những chướng ngại vật ra hành lang, cầu thang thoát nạn hoặc những vật cản trở ở nơi chữa cháy. Khi có cháy, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

- Theo ông nói, trước khi đưa vào sử dụng, các tòa nhà cao tầng đều được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, vậy tại sao chung cư JSC vẫn xảy ra hỏa hoạn giữa ban ngày?

- Một vụ cháy xảy ra trước hết phải xem xét ý thức trách nhiệm của cư dân, cơ quan quản lý tòa nhà rồi mới đến cơ quan quản lý nhà nước. Vụ cháy tòa nhà JSC lỗi do ai, lãnh đạo công an thành phố đã giao cho cơ quan điều tra làm rõ. Hỏa hoạn xảy ra dứt khoát phải có lỗi ở nơi nào đó. Nếu tuân thủ tốt quy định làm sao có thể xảy ra hỏa hoạn.

- Trong vụ cháy tòa nhà JSC nhiều người dân than phiền về thiết bị chữa cháy của cảnh sát, cụ thể là việc xe thang không thể với tới tầng 17, 18. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu có hỏa hoạn ở tòa nhà trên 20 tầng?

- Đúng là lực lượng trang thiết bị phòng cháy chữa cháy của thủ đô còn yếu và thiếu. Phương tiện hiện nay chỉ có thể chữa cháy được từ tầng 10 trở xuống. Toàn thành phố mới có một xe thang 52 mét, 2 xe thang 32 mét và gần 50 chiếc chuyên dụng (xe thang, chữa cháy và chở nước).

Chúng tôi đã báo cáo Bộ Công an và UBND thành phố để nâng cao trang thiết bị cho lực lượng cứu hỏa, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong các tòa nhà cao tầng. Theo tôi, trong tương lai, mỗi quận huyện phải có một đội phòng cháy chữa cháy riêng, chứ hiện nay 29 quận, huyện chỉ có 9 đội. Con số này quá ít.

- Trong vụ cháy JSC, nhiều cư dân đã thoát nạn bằng cách đắp khăn lạnh hoặc chui vào nhà vệ sinh. Theo ông, đâu là cách xử lý tốt nhất khi hỏa hoạn tấn công cao ốc?

- Với lượng khói nhiều, người dân nên lấy khăn hay mảnh vải nhúng nước bịt vào mùi, bò dưới mặt sàn rồi nhanh chóng đến khu vực thoát hiểm gần nhất. Nếu không đắp khăn ướt nạn nhân sẽ bị ngạt khói.

Trong một số vụ cháy, cách chui vào nhà vệ sinh để tránh lửa chưa phải là tốt bởi oxy chiếm dưới 16% thể tích không khí sẽ gây suy hô hấp. Đã suy hô hấp là bị tê liệt thần kinh, người lúc đó sẽ bồng bềnh và không biết gì.

Với những trường hợp như chập điện, hở bình ga... có nguy cơ gây cháy nổ, chúng tôi cũng đã có văn bản cảnh báo gửi đến các cơ sở để họ phổ biến cho người dân nắm rõ.

Hoàng Anh thực hiện

Với khả năng chữa cháy ở nước ta như thế thì tôi thà mua nhà thấp tầng cho nó an tâm. Mọi người cũng thế, cứ tìm chọn mua nhà tầng thấp thì dần dần những tầng cao bị ế thì chủ đầu tư cũng sẽ không xây cao nữa đâu.

(Nguyen)

Tôi không đồng ý với ý kiến trên, đất nước phát triển, chẳng lẽ chịu xây nhà từ 10 tầng trở xuống à? Các phương tiện chữa cháy ở Việt Nam vẫn còn thô sơ và chưa được nâng cấp, càng ngày các chung cư càng mọc lên nhiều.

Hy vọng chúng ta có thể nâng cấp, sắm sửa thêm các phương tiện để đối phó với những tình huống phức tạp hơn

( tung nguyen )

Nếu vì lý do khách quan mà xảy ra hỏa hoạn thì tôi không biết sẽ đổ lỗi cho ai nữa đây? Một tòa nhà cao tầng thì phải có đầy đủ phương tiện để đề phòng sự cố hỏa hoạn, hoặc bất cứ sự cố nào khác. Vậy yêu cầu nghiệm thu về PCCC tại các công trình để làm gì? Câu hỏi này tôi chưa có lời giải đáp?

( Trần Huỳnh )

Bạn nói vậy là không phải rồi. Vấn đề không phải chiều cao của cao ốc mà là hệ thống chữa cháy của tòa nhà. Các xe cứu hỏa Việt Nam cũng như các xe cứu hỏa các nước tiên tiến, chiều cao tối đa của xe thang chỉ 52 mét thôi. Nhưng tại sao các nước tiên tiến lại an toàn hơn mình, bởi vì hệ thống chữa cháy tự động quá tốt, các ống thoát hiểm, hành lang thoát hiểm, các cột thoát hiểm... đều tốt, được kiểm tra sử dụng thường xuyên.

Thứ 2 là người dân họ thường xuyên được huấn luyện các trường hợp hỏa hoạn nên có kinh nghiệm, bình tĩnh khi xảy ra sự cố.

Thứ 3 hệ thống quản lí chung cư khá tốt, bảo vệ chuyên nghiệp.

Như bạn thấy qua vụ cháy này bảo vệ chúng ta lúng túng trước các tình huống như vậy.

Thứ 4 là lực lương cứu hộ bên họ phản ứng khá nhanh và chuyên nghiệp. Như ở Việt Nam thì mất rất lâu xe cứu hỏa mới tới được hiện trường, lính cứu hỏa VN cũng chưa được trang bị đầy đủ (như trong hình)... Nên muốn tránh những trường hợp như vậy trong tương lai thì cần khắc phục 4 vấn đề trên, chứ không phải phụ thuộc vào chiều cao của cao ốc như ban nói đâu. Thân.

( Quang Huy )

Tôi không đồng ý với ý kiến là không xây nhà quá mười tầng, vấn đền quan trọng là trang bị hệ thống PCCC cơ sở của chính các tòa nhà phải đảm bảo được tính hiệu quả. Trong quá trình cháy nếu có hệ thống báo và chữa cháy tự động thì sẽ an toàn hơn.

Lúc cháy chỉ có con người là mất bình tĩnh, chứ máy móc thì không. Hơn thế nữa, nếu có nhiều xe thang, hoặc xe thang có loại lên tới 98 m thì ngược lại phải có không gian cho xe thang hoạt động.

Hơn thế nữa để quản lý được tòa nhà có hệ thống báo cháy chữa cháy thông mình, thì vấn đề con người tại cơ sở công trình đó cũng phải "thông minh".

( Daoct )

Tôi nghĩ vụ việc vừa qua không nên đổ lỗi cho riêng ai. Việc phòng cháy nổ là trách nhiệm chung của rất nhiều bên. Trong đó bao gồm phía xây dựng tòa nhà phải có hệ thống thoát hiểm, hệ thống cảnh báo chữa cháy tại chỗ (đặc biệt là các tòa nhà cao tầng) không nên ỉ lại vào lực lượng chữa cháy bên ngoài.

( DiLac )

Bạn Le Vu, với cách suy nghĩ của bạn làm gì mà xã hội ta chẳng phát triển chậm? Đường xá bé thì hạn chế dân đi lại? Không chữa cháy được thì hạn chế xây nhà cao tầng? Hóa ra cuối cùng lỗi ở đây là do người xây nhà? Kiểu "Ai bảo ông xây nhà cao quá tôi không chữa cháy được!"?

Tính mạng con người là quan trọng, để theo kịp sự phát triển của đô thị thì hệ thống văn bản quy định, hệ thống thiết bị chữa cháy phải phát triển chứ cái kiểu nói "Tôi còn yếu kém các ông dừng lại đừng phát triển, đợi tôi phát triển đã" thì Việt Nam muôn đời đi sau thế giới.

Yếu chỗ nào thì phải làm mạnh chỗ đó chứ không phải làm yếu các chỗ khác đi cho đồng đều.

( LTD )

Tôi không đồng ý với ý kiến của anh Le Vu, bởi tòa nhà đã được trang bị cầu thang thoát hiểm, trang thiết bị PCCC đầy đủ, vấn đề ở đây là ý thức phòng chống cháy nổ của mỗi công dân chúng ta chưa cao, và ban quản lý chung cư nói trên chưa ứng cứu, giải quyết sự cố kịp thời.

Theo quan điểm của tôi, với trang thiết bị PCCC tại chỗ trong công trình cũng dư sức dập tắt đám cháy như vậy. Chúng ta không phải việc gì cũng đổ lỗi cho các cơ quan quản lý nhà nước...

( Trung Kiên )

Không thể tin nổi thủ đô Hà Nội với 200 nhà cao tầng mà chỉ có một xe chữa cháy cao 50 mét. Đã đến lúc nên đầu tư cho lực lượng chữa cháy tại những thành phố lớn vì số lượng nhà cao tầng ngày càng tăng.

( Michael Nguyen )

Không hiểu bạn Le Vu đang công tác làm việc hay học tập ở đâu mà tầm nhìn của bạn hạn hẹp quá vậy? Thành phố phát triển đương nhiên đi đôi với việc có thêm nhiều nhà cao tầng, ở quốc gia nào cũng vậy. Ở Mỹ và châu Âu có rất nhiều nhà cao tầng, cứu hỏa trên mặt đất cũng chỉ vươn đến một tầm nhất định, nhưng không thể vì lí do đó mà xây nhà 10 tầng, thế có khác nào những đất nước kém phát triển như ở châu Phi người ta không có nhà cao tầng? Biện pháp tốt nhất là cứu hỏa ngay trong tòa nhà bằng hệ thống cứu hỏa tự động.

( Long Nguyen )

0976 665 258